Đồ án Loa thành 2014 - Quy hoạch phân khu trung tâm thành phố Phan Thiết
Áp dụng phương pháp quy hoạch chiến lược (strategic planning) – một quan điểm về giải pháp phát triển đô thị hợp nhất tới cực điểm, nó hợp nhất đồng thời quy hoạch vật chất, kế hoạch đầu tư, dự kiến về nguồn lực, và các yêu cầu về định chế, trong một tập hợp đặc biệt nhất đối với mỗi thành phố để nó theo kịp yêu cầu phát triển toàn thể và các tham vọng sản sinh ra trong điều kiện các mâu thuẫn được đặt ra bởi các giới hạn về nhân lực và các sự thiếu hụt về tài chính. Đồ án Quy hoạch phân khu 1/2000 một phân khu trung tâm thành phố Phan Thiết của sinh viên Lê Hậu trường Đại học Kiến trúc Tp.Hồ Chí Minh đã cho thấy lối tiếp cận quy hoạch mới. Đây là kết quả của quá trình hợp tác và thay đổi phương pháp đào tạo của trường ĐH Kiến trúc Tp.HCM trong những năm vừa qua trong công tác giảng dạy Thiết kế đô thị. Đồ án dành giải 3 giải thưởng Loa Thành năm 2014.
Thông tin đồ án
Tên đồ án: Quy hoạch phân khu 1/2000 một phân khu trung tâm thành phố Phan Thiết
Địa điểm: Thành phố Phan Thiết
Sinh viên: Lê Hậu
Giáo viên hướng dẫn: Ths.KTS Vũ Việt Anh
Trường: ĐH Kiến trúc Tp.HCM
Giải: Ba
Hạng mục: Quy hoạch
Bối cảnh dự án
Khu vực nghiên cứu là một phần trung tâm hiện hữu thành phố Phan Thiết- tỉnh Bình Thuận, thuộc phường Hưng Long và một phần phường Bình Hưng. Nằm ở vị trí cửa sông đổ ra biển. Tổng diện tích 160 ha, dân số năm 2012 là 11500 người. Mật độ 7200 người/km2.
Theo định hướng “Quy hoạch chung Tp. Phan Thiết đến năm 2025”, đây sẽ là khu đô thị trung tâm hạt nhân của 8 khu đô thị xung quanh, là trung tâm thương mại dịch vụ của Tp. Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận, phát triển loại hình du lịch MICE.
Tính cấp thiết của đề tài
- Theo định hướng từ quy hoạch chung, các công trình hành chính dọc trục Nguyễn Tất Thành (trục đường cảnh quan quan trọng nhất Phan Thiết hiện tại) sẽ di dời lên khu hành chính tập trung, các trường học ven biển sẽ di dời ra khu đại học tập trung, và chuyển đổi chức năng sử dụng đất thành đất thương mại dịch vụ du lịch. Đặt ra vấn đề khai thác hiệu quả quỹ đất này?
- Khu vực giáp sông- biển và có các ao đầm tự nhiên. Dân cư làm nghề biển lâu đời, với các tín ngưỡng lễ hội của ngư dân vạn chài. Tuy nhiên, vấn đề khai thác chưa hiệu quả để tạo nên nét đặc trưng cảnh quan và bản sắc văn hóa xã hội của một đô thị biển.
- Cần sớm tìm ra giải pháp để phát huy vai trò của khu trung tâm, thực hiện mục tiêu đã đề ra của quy hoạch chung.
Tiếp cận theo định hướng chiến lược
Trên cơ sở phân tích ưu nhược điểm, sự tương đồng và khác nhau của phương pháp quy hoạch truyền thống và quy hoạch chiến lược, từ đó đề xuất quy trình quy hoạch theo định hướng chiến lược phù hợp với điều kiện phát triển đô thị và khung pháp lý Việt Nam. Quy trình đề xuất gồm 2 phần: 1. xây dựng chiến lược và 2. đưa chiến lược vào không gian đô thị. Trong đó, đồ án tập trung phân tích, đưa ra mục tiêu và các giải pháp trên 3 khía cạnh chính: giao thông, sử dụng đất, cảnh quan. Đây là 3 khía cạnh cơ bản hình thành nên cấu trúc không gian đô thị.
Mục tiêu giao thông: “Tăng cường liên kết khu vực và khả năng tiếp cận bộ hành ra không gian ven sông- biển”. Để thực hiện mục tiêu này, đồ án đề xuất tăng mật độ lưới đường, mở thêm các tuyến đi bộ ra bờ sông bãi biển, các tuyến đường dọc bờ sông bãi biển ưu tiên cho đi bộ và các hoạt động sinh hoạt cộng đồng.
Mục tiêu sử dụng đất: “Khai thác hợp lý quỹ đất nhằm tạo động lực phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng sống”. Để thực hiện mục tiêu này, đồ án đề xuất tạo nên khu vực đa dạng về chức năng với 5 phân khu chính. Chuyển đổi chức năng hành chính dọc trục đường lớn hướng ra biển thành thương mại dịch vụ như theo định hướng quy hoạch chung. Khai thác không gian ven biển cho loại hình du lịch MICE và cho cộng đồng dân cư. Đối với khu dân cư, đề xuất xây mới công viên cây xanh, các tiện ích dịch vụ công cộng tại các xí nghiệp hiện hữu để nâng cao chất lượng sống, đồng thời, đây là lõi trung tâm tạo động lực cho các nhóm ở lân cận tự hoàn thiện.
Mục tiêu cảnh quan: “Xây dựng đô thị biển có bản sắc về kiến trúc cảnh quan và văn hóa xã hội”. Để thực hiện mục tiêu này, đồ án đề xuất nên 5 phân khu cảnh quan đặc trưng. Trong đó, chú trọng đến không gian lịch sử tại khu hành chính cũ và không gian ven sông Cà Ty, với hình ảnh thuyền ghe neo đậu cùng các hoạt động ẩm thực hiện hữu. Phát huy giá trị cảnh quan từ sông, biển và các ao đầm tự nhiên. Tạo lập các không gian khuyến khích sự giao tiếp cộng đồng và diễn ra các hoạt động lễ hội tín ngưỡng đặc trưng của ngư dân vạn chài. Các không gian này được liên kết bởi 3 trục cảnh quan bền vững: trục lịch sử nhân văn, trục hiện đại phồn vinh và trục tự nhiên bền vững.